Nghiên cứu một số kích thước bàn tay, kích thước chi trên, chiều cao đứng và cân nặng của sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Bình
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Nghiên cứu từ các kích thước nhân trắc bàn tay, kích thước chi trên, chiều cao đứng và cân nặng trên người đã cho ra nhiều ứng dụng quan trọng trong các chuyên ngành như Phục hồi chức năng, Ngoại khoa, Chấn thương chỉnh hình, Y học lao động… Mục tiêu: Xác định một số kích thước bàn tay, kích thước chi trên, chiều cao đứng và cân nặng của sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả, cắt ngang trên 620 sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình từ 8/2021 - 03/2022. Kết quả: Chỉ số BMI trung bình 18,91 ± 2,16 ở nữ giới và 20,66 ± 3,13 ở nam giới. Trong nhóm kích thước bàn tay, chiều dài bàn tay nam giới (17,82 ± 0,83 cm) lớn khác biệt so với nữ giới (16,42 ± 0,74 cm), độ dài ngón giữa lớn nhất từ 73 - 78 mm, ngón áp út luôn dài hơn ngón trỏ, khoảng 72 mm so với 58 mm ở nam giới và 67 mm so với 53 mm ở nữ giới. Ngón cái có độ rộng nhất, sau đó là ngón giữa, ngón trỏ, ngón áp út và ngón út (từ 15,5 - 12,0 mm). Độ dày các ngón cũng tương tự; tuy nhiên, ngón áp út dày hơn ngón trỏ (8,92 ± 0,78 mm so với 8,29 ± 0,78 mm ở nam giới). Chiều dài chi trên ở nam giới lớn hơn so với dài chi trên ở nữ giới (76,12 cm ở nam giới và 70,17 cm ở nữ giới) với p < 0,05; tuy nhiên, chiều dài xương cánh tay ở hai giới có sự chênh lệch ít nhất (29,19 cm ở nam giới so với 27,4 cm ở nữ giới). Kết luận: Các kích thước nhân trắc bàn tay, chiều dài chi trên, chiều cao đứng và cân nặng ở nam giới đều lớn hơn nữ giới, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Chiều dài và độ dày ngón áp út luôn lớn hơn ngóntrỏ, nhưng độ rộng thì ngược lại với p < 0,05.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Nhân trắc bàn tay; Chi trên; Chiều cao đứng; Cân nặng